“Điện thoại tớ hết tiền rùi, tớ đang ốm, bạn đi mua hộ tớ thẻ Viettel 100 nghìn, mấy hôm nữa tớ trả”. Đọc xong đoạn chat với cô bạn tên Thúy, Hưng - sinh viên năm 3, Đại học Ngoại Thương - chạy vội ra mua thẻ rồi gửi mã.Nhiều bạn trẻ dễ dãi trong việc cho mượn máy tính, điện thoại, dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. Ai ngờ, hai hôm sau gặp lại cậu mới té ngửa khi biết người nhờ mua thẻ hôm đó không phải là Thúy mà là một cô bạn nào đó đến phòng Thúy chơi.
Trường hợp sinh viên sống cùng nhà trọ vì quá tin tưởng hay đôi khi không đề phòng bị mất điện thoại hay tiền bạc không phải là hiếm. Nhưng tình trạng giả danh để vay tiền hay xin thẻ điện thoại lại là một chiêu thức mới.
Minh, sinh viên năm 2, Đại Học Công Nghiệp, vừa mất tiền, vừa mất bạn sau vụ bị lừa bởi chính cậu bạn thân.
“Vì cùng quê nên hai đứa mình có những mối quan hệ bạn bè chung, khi nó hỏi mượn cũng là chuyện bình thường. Ai ngờ bữa đó nó dùng điện thoại của mình, nhắn tin đến ông anh mình để vay tiền và nhờ chuyển ngay vào tài khoản. Ông anh thật thà quá nên chuyển ngay chiều hôm sau, đến khi anh ấy gọi điện lại hỏi mình đã nhận được tiền chưa thì mình mới biết chuyện”, Minh kể lại với giọng bức xúc.
Thì ra, cậu bạn nọ chơi điện tử, thiếu 700 nghìn đóng tiền học phí nên đã làm liều như thế. Cuối cùng Minh trả hộ một nửa và cắt đứt quan hệ bạn bè luôn.
Từ những mối quan hệ bạn bè rất thân thiết, thậm chí đã ở với nhau trong thời gian dài, song nhiều sinh viên vẫn bất ngờ trước hành động của những người bạn “lừa tiền”.
Câu chuyện của Hân, năm 2, Đại học Thương Mại Hà Nội, là một ví dụ. Hân ở chung với Huyền từ khi nhập trường đại học, là người an ủi, chia sẻ cùng nhau lúc vui buồn. Biết Hân có anh người yêu đi làm ở công ty nước ngoài với mức lương khá cao và rất chiều bạn gái, Huyền đã mượn điện thoại của Hân để ngồi nhắn tin cho anh kia, “nũng nịu” đòi nạp thẻ điện thoại 200 nghìn.
"Anh ấy đi mua thẻ thật rồi gửi mã lại, không nghi ngờ gì cả. Đến tối gặp anh ấy mình mới biết chuyện”, cô gái kể. Sau lần đó, một vụ cãi lộn tanh bành đã nổ ra và cô bạn nọ ngượng quá phải chuyển đi chỗ khác ở. Từ đó Hân cũng tự rút kinh nghiệm và biết bảo vệ cái điện thoại kỹ hơn.
Hầu hết các sinh viên hiện nay đều có máy tính để bàn, nhưng việc bảo vệ nó như thế nào thì ít ai để ý. Hậu quả là việc mất tài liệu cá nhân hay trớ trêu hơn là phải đi trả nợ trong khi mình không hề vay tiền.
Trang là sinh viên năm 3 Đại học Thăng Long. Sau khi thi học kỳ, các bạn cô ở Bắc Giang xuống chơi và ngủ lại phòng bạn 3 ngày. Vì tin tưởng bạn, nên Trang để các bạn sử dụng máy tính thoải mái, nhiều lúc đang bật nick chat, cô đi ra ngoài mà các bạn ngồi chat hộ cũng là bình thường.
Hơn một tuần sau đó, Trang ngạc nhiên khi nhận được 2 tin nhắn đòi tiền, mỗi người đòi 200 nghìn. “Mình mở lại hộp thư lưu đoạn chat, thì đúng là có xin vay tiền chuyển qua tài khoản nhưng không không biết ai là người đã giả danh vay, vì hôm đó có tới 4 bạn đến phòng chơi”. Cuối cùng chẳng biết trách ai, mà thanh minh thì cũng không ai tin nên Trang đành bỏ tiền ra trả nợ. Sau chuyện này, cô quá thất vọng về bạn bè và lúc đó mới lập pass bảo vệ máy tính.
Không mất tiền, cũng không phải đi trả nợ nhưng nhưng Vân, sinh viên năm nhất, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội lại mất một bài tiểu luận. Ở phòng ký túc có 8 người thì có 5 bạn đều cùng một lớp, Vân đã thức đêm để viết bài tiểu luận rồi sáng lăn ra ngủ, đến chiều định copy bài tiểu luận đi in thì không thấy đâu nữa.
“Hỏi lại một chị trong phòng học khóa trên thì chị ấy nói lúc sáng có hai bạn dùng nhờ máy tính, nhưng hỏi đến bài tiểu luận thì bạn nào cũng nói là không biết”, Vân kể lại. Đến khi nộp bài trên lớp Vân mới biết ai đã ăn trộm nhưng cũng đành thở dài vì lỗi tại mình không cẩn thận.
Tất cả những trường hợp trên đều bắt nguồn từ sự dễ tính và cả tin của giới trẻ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Chủ nhiệm khoa Tâm học, ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn) cho biết: “Trước câu hỏi 'Bạn có bao nhiêu bạn thân?', thì 60% bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên trả lời là có đến gần 10 bạn thân. Câu trả lời đó cho thấy khái niệm và tiêu chuẩn về bạn thân bây giờ quá dễ, điều đó tỷ lệ thuận với mức độ thiếu cẩn trọng trong cuộc sống và ứng xử. Do vậy những vụ việc như trên xảy ra không phải là điều quá lạ và hậu quả là những nạn nhân chỉ biết tự trách mình”.
"Chúng ta có thể chơi với nhiều bạn bè, nhưng cuộc chơi nào cũng cần có nguyên tắc rõ ràng để mỗi người biết bảo vệ chính mình. Cho mượn máy tính hay điện thoại là những vật có nhiều thông tin cá nhân là điều nên hạn chế, đừng để rơi vào tình trạng mất bò mới lo làm chuồng”, tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan nói thêm.
Đồng Phương Thảo