(Zing) - “Một năm có vài ngày thi Đại học, Cao đẳng thôi mà, mình cũng phải tranh thủ làm ăn chứ”, chủ quán bán đồ ăn sáng, nước uống trước cổng trường ĐH Văn hiến TP HCM giãi bày.
Đến hẹn lại lên, cứ sau một năm, hàng trăm ngàn thí sinh, phụ huynh ở khắp các tỉnh, thành lỉnh kỉnh hành lý về Sài Gòn để “tranh tài”. Không bỏ qua cơ hội, các dịch vụ ăn theo cũng nhanh chóng vào cuộc để phục vụ và "quay luộc" các “thượng đế”.
Hàng quán mọc lên "như nấm" quanh các địa điểm thi
Trước ngày thi, vấn đề kẹt xe, tắc đường tại TP HCM luôn được các phương tiện thông tin “cảnh báo” và đây cũng là nỗi lo chung của phụ huynh, thí sinh. Vì vậy giải pháp an toàn đầu tiên được các bậc phụ huynh nhắm tới là “xuất phát” khỏi nhà từ lúc trời tờ mờ sáng, vừa tránh muộn giờ mà có thời gian cho sĩ tử ngồi “cân bằng” lại tâm lý.
Nắm bắt cơ hội, nhiều dịch vụ “ăn cùng sĩ tử, thức cùng sĩ tử” quanh các địa điểm thi cũng nhanh chóng mọc lên như “nấm” và không ít nơi lợi dụng việc này đã vô tư “chặt chém”.
Bảo vệ nhà xe trường ĐH GTVT đã có một đêm thao thức vì “được lệnh” trông xe từ lúc 5h, số nhân viên cũng được tăng cường gấp đôi. “Hơn 6h các thí sinh mới bắt đầu nhập phòng thi, nhưng vừa mở cửa nhà xe đã thấy thí sinh và người nhà đứng chật kín trước cổng chờ rồi”, một bảo vệ cho biết.
Nhiều phụ huynh tỏ ra khó chịu vì người bán đồ dạo, vé số... mời quá "nhiệt tình"
Không chỉ nhân viên trông giữ xe, hàng quán quanh khu vực các điểm thi cũng “bất ngờ” trước việc phụ huynh, thí sinh đi quá sớm. Vừa loay hoay dọn bàn ghế ra, anh Huy - chủ quán ăn sáng, nước uống trước cổng trường ĐH Văn hiến giãi bày: “Một năm có vài ngày thi Đại học, Cao đẳng thôi mà, mình phải tranh thủ chứ. Mỗi thứ giá nhỉnh hơn một chút, gọi là tiền thuê thêm nhân công phục vụ, nhưng đồ dùng thì đầy đủ hết”.
Để minh chứng, ông chủ này liền kể ra bao nhiêu loại có trong “menu” của quán như bún, phở, bánh mỳ, bánh bao… cho đến nước uống là cà phê, sinh tố, trà đá. Tuy nhiên, cái “nhỉnh hơn một chút” như anh Huy nói thì nó lại quá “xa xỉ” đối với những thí sinh từ vùng sâu, vùng xa lên thành phố, bởi một tô phở giá từ 20.000 đến 30.000 đồng, hay hộp sữa từ 5.000 đến 8.000 đồng. Chỉ với một chiếc dù, vài bộ bàn ghế nhựa, quán này cũng “hút” được hàng trăm lượt “thượng đế” vào mua.
Có nhiều địa điểm, người dân tranh thủ “làm ăn” trong mùa thi khi dọn dẹp nhà cửa cho gọn để trưng ra vài chiếc bàn bán cà phê, nước ngọt… có người còn mua áo mưa treo trước nhà để bán, hay giao cơm hộp tới nơi.
Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý thí sinh “cày” nhiều quá nên hay lâm vào tình trạng “đãng trí” quên máy tính, bút viết, thước kẻ... Vì vậy, đây cũng là mùa làm ăn của cửa hàng văn phòng phẩm. “Mới buổi sáng mà các dụng cụ phục vụ cho thi cử đã bán gần hết rồi. Bây giờ chị phải gọi điện lấy thêm hàng không chiều lại không có mà bán”, chị Hoa, chủ cửa hàng trên đường D2, quận Bình Thạnh vui vẻ chia sẻ.
Nước uống "lưu động" phục vụ cho sĩ tử.
Cũng chính nhờ cái “quên” của sĩ tử mà lực lượng xe ôm được hoạt động “hết công suất”. Quan sát thấy sĩ tử nào mặt “tái mét”, chạy ra ngoài cổng trường với dáng vẻ vội vàng, các bác xe ôm hiểu ý ngay. “Sáng giờ chú cũng kiếm được gần 100.000 đồng rồi đấy. Chở gần nên nhanh, mỗi “cuốc” từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng, chắc giờ tới tối cũng ổn”, chú Hoà, hành nghề xe ôm tại cổng trường ĐH Công nghiệp TP HCM hồ hởi khoe.
Bên cạnh những dịch vụ “chăm sóc” phụ huynh, thí sinh trên thì còn có một đội quân khá đông đúc những người bán vé số, bói toán, ăn xin… quanh các khu vực thi. “Tôi mới ngồi một tí là có người chạy tới mời, hết người này đến người kia, trả lời không mua họ cứ năn nỉ, chèo kéo phát bực cả mình”, phụ huynh Hoàng Thị Hoan bức xúc.
Phụ huynh mua đáp án môn Toán... nhưng không hề biết giải có đúng hay không
Thế nhưng, lực lượng đáng được nhắc đến là những thanh niên “rao đáp án” được giải viết bằng tay, rồi photo ra bán một cách công khai ngay trước các địa điểm thi. Nhiều phụ huynh, thí sinh bỏ ra 4.000 đồng để mua một bài giải viết bằng tay nguệch ngoạc mà không biết đúng hay sai, nhiều phụ huynh mua rồi vẫn cố hỏi ai giải, hay có chính xác không mặc dù họ… không biết.
Thời điểm đội quân này hoạt động “nóng” nhất là khi các thí sinh bắt đầu bước ra khỏi cổng trường, các em chưa kịp “hoàn hồn” thì bị một thanh niên nhanh chóng chạy tới dí vào tay tờ đáp án với lời rao “mua đáp án không em?”. “Em cũng không rõ làm sao người ra lại có đáp án nhanh đến vậy, mặc dù hơi gạch xoá một chút nhưng em thấy cũng khá đầy đủ, mua về xem thế nào”, sĩ tử Lê Hoài Vũ (quê Bình Định) cho biết.
(Theo Zing)