Lại thêm một cái chết của cô dâu Việt trên xứ người. Một cái chết tức tưởi, oan nghiệt. Lần này ở Hàn Quốc. Theo báo chí, lời khai của người chồng cho biết, anh ta giết vợ vì lời chỉ bảo của thần thánh nào đó (!), chứ không phải vì mâu thuẫn gia đình như những vụ trước kia
Cô dâu Việt bị giết khi cưới được 8 ngàyBi kịch người vợ nơi đất kháchChính vì lý do đó càng khiến ta đau thắt lòng. Nó làm cho câu hỏi “bao giờ hết những thảm cảnh tương tự?” cứ xoáy vào tận tim gan chúng ta.
Ngày xưa, thời ông bà cha mẹ ta, gả con xa xứ là chuyện chẳng đặng đừng. Lấy chồng khác xứ là một chuyện mà bất kỳ người con gái nào cũng băn khoăn, đắn đo. Thời ấy, không phải không có những cô dâu chấp nhận xa xứ. Có điều, đó là những mối tình, những cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng của sự hiểu biết, chân thành muốn xây dựng một gia đình, khác với số đông phụ nữ chấp nhận lấy chồng xứ xa hiện nay.
Thạch Thị Hồng Ngọc, cô dâu vừa bị chồng người Hàn Quốc đánh chết, trong ngày cưới. Ảnh do gia đình cung cấp
.
Theo khảo sát của Vụ Gia đình (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và Du lịch), trên 64% cô dâu lấy chồng ngoại xuất phát từ lý do kinh tế. Các cô gái, thậm chí các bậc cha mẹ, xem chuyện lấy chồng xứ người, đơn giản chỉ là một cách để kiếm tiền nhằm thay đổi cuộc sống của mình và gia đình. Không phải họ không ý thức được rằng, rất nhiều khó khăn đang chờ đợi mình ở phía trước, nhưng họ bất chấp tất cả. Không biết chút xíu nào về người chồng, gia đình chồng; một chữ bẻ đôi tiếng mẹ đẻ của chồng cũng không biết và dĩ nhiên chồng cũng không thể hiểu được ngôn ngữ của mình; văn hóa, cách ứng xử của họ, càng mù tịt… Thế mà, họ vẫn mạnh chân bước lên máy bay đi sang xứ người làm dâu, quả là điều khó có thể hiểu nổi.
Trách nhiệm thuộc về ai? Không thể đổ mãi cho cái nghèo. Hiện nay, dù vẫn là một nước kém phát triển, nhưng cuộc sống vật chất, tinh thần của số đông người dân đã không ngừng được nâng lên. Chuẩn nghèo cũng đang ngày ngày cao, tiếp cận chuẩn nghèo thế giới. Những vùng quê nghèo khó ngày xưa, giờ đã đường nhựa, dây điện giăng khắp nơi, ngói đỏ lấp loáng… Không thể chỉ trách các cô gái và gia đình ham mê giàu sang, bởi ham mê cuộc sống khá giả, sung túc, đâu là cái tội! Càng không thể trách các cô gái vì muốn báo hiếu mà chấp nhận lấy chồng ngoại như một hình thức “bán” mình. Vì suy cho cùng, đó cũng là cách ứng xử đáng trân trọng của người con đối với cha mẹ, anh em. Chúng ta cũng nên thông cảm cho các bậc cha mẹ. Không phải ai chấp nhận cho con đi xa cũng chỉ vì tiền, không ít người trong số họ mơ hồ cho rằng ít ra thì con mình cũng sẽ sung sướng trong một xã hội mà mức sống đang hơn mình… Không thể trách họ vì hơn ai hết, họ sẽ chính là nạn nhân, sẽ phải trả một giá rất đắt cho quyết định của mình.
Cái đáng lên án nằm ở chỗ khác. Bởi chúng ta không thể chấp nhận cảnh hàng trăm cô gái Việt đi tới đi lui cho một vài người đàn ông xứ người xem mặt. Chỉ nghe thôi, ta đã thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Thế nhưng, vì sao những cảnh ấy vẫn tồn tại? Các cơ quan chức năng, đoàn thể phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa thì mới mong chấm dứt thảm cảnh này. Những cái chết trẻ, uất nghẹn của các cô dâu chính là bài học xương máu để chúng ta có thể cảnh báo những ai còn mơ mộng về một thiên đường mong manh nơi xứ người, khi hôn nhân không xây dựng trên cơ sở tình yêu đích thực.
Ngọc Khuê