Chủ Đề: Bảo vệ cụ Rùa, những mắc mớ-------------------------------------------------------------------------
Bảo vệ cụ Rùa, những mắc mớ
Theo một số chuyên gia về bảo vệ động vật, những mắc mớ trong các quy định liên quan bảo vệ Rùa Hồ Gươm còn xuất phát từ một nguyên nhân là đến nay, thực sự cụ Rùa thuộc loài nào, vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Trong khi đó, việc tiếp cận cụ bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật gần như là không thể.
Các nhà bảo tồn đã đưa ra một số lập luận nhằm lý giải vì sao Rùa thiêng của Hà Nội không nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các hành vi vi phạm bảo vệ động thực vật hoang dã quý hiếm. Việc này vô tình gây ra những hiểu lầm về tình trạng của loài rùa này. Phải chăng rùa Hồ Gươm không phải là loài quý hiếm cần được bảo vệ?
Theo các căn cứ khoa học được cung cấp bởi Chương trình Rùa châu Á (ATP), Rùa Hồ Gươm là loài Rafetus Swinhoei – cùng loài với rùa được phát hiện gần Thượng Hải (Trung Quốc).
Nếu đúng là loài này, thì Rùa Hồ Gươm được xếp trong sách Đỏ của Việt Nam năm 2007 (số thứ tự 202, phần động vật) và được xếp ở cấp CR – cấp cao nhất theo phân loại về tình trạng bảo tồn. Loài này được phân bố trải dài từ Trung Quốc xuống Việt Nam theo lưu vực sông Hồng.
Từ năm 2004, ATP đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát tìm kiếm những cá thể rùa quý hiếm ở Việt Nam và đã thu thập được một hộp sọ rùa tại tỉnh Phú Thọ, tiêu bản nguyên một cá thể tại tỉnh Yên Bái và một cá thể rùa tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây). Qua phân tích về mặt hình thái, ATP khẳng định những cá thể rùa này đều thuộc loài Rafetus Swinhoei.
Kết luận này càng được củng cố khi vào tháng 12-2009, TS Lê Đức Minh, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên – Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm AND của cá thể rùa Đồng Mô và cá thể rùa đang được trưng bày ở đền Ngọc Sơn.
Theo kết quả này, chúng thuộc loài Rafetus Swinhoei. Dựa trên những phân tích về đặc điểm hình thái, các chuyên gia quốc tế về rùa cũng khẳng định cụ Rùa duy nhất đang sống ở Hồ Gươm thuộc loài này.
Theo báo cáo khoa học của TS Lê Đức Minh, sông Hồng chính là hành lang di chuyển của loài Rafetus Swinhoei. Hàng trăm năm nay, nó đã theo đường sông Hồng để phát tán vào các ao, đầm, hồ quanh đó.
Do Lê Lợi mang đến thả?
Tuy nhiên, PGS Hà Đình Đức, người đến nay được ghi nhận là có thời gian lâu nhất liên tục theo dõi về rùa Hồ Gươm (hơn 10 năm), lại không đồng tình với những kết luận nói trên. PGS Đức từng nêu sự khác biệt về hình thái mai, sọ rùa giữa rùa Thượng Hải và rùa Hồ Gươm đang được trưng bày tại đền Ngọc Sơn.
Cụ Rùa Hồ Gươm đang cần được bảo vệ . Ảnh: Xuân Phú
Ông Đức nhận định rằng, rùa Hồ Gươm không phải là rùa tự nhiên vốn sống tại hồ mà được mang từ nơi khác tới thả tại đây. Theo lý giải của nhà Rùa học, Hồ Gươm là phần còn lưu lại dấu tích của chuyển dịch lòng sông Hồng và cùng với hồ này Hà Nội còn có các hồ khác như hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu. Tuy nhiên, chỉ riêng Hồ Gươm là có loài rùa này.
Mặt khác, nhiều nơi quanh vùng Lam Kinh (Thanh Hóa) người ta từng bắt được những con rùa lớn, nặng tới 150 kg. Từ đó, ông Đức đưa ra một giả thuyết rằng rùa Hồ Gươm được Lê Lợi mang từ quê hương Thanh Hóa của mình thả vào hồ. Tiến sĩ Đức đặt tên khoa học cho rùa Hồ Gươm là loài Rafetus leloii.
Theo tài liệu PGS Đức cung cấp, tháng 4-1995, ông Peter Pritchard, Giám đốc Viện Nghiên cứu rùa Florida (Mỹ) đã sang Việt Nam làm việc với ông. Cả hai đã cùng quan sát tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn và cụ Rùa sống ở Hồ Gươm. Sau khi về nước, ông này có gửi thư cho Giáo sư Đức khẳng định đây không phải là loài giải Pelochelys bibronii, mà là loài Rafetus swinhoei, hoặc là một loài rùa mới.
Sợ tâm linh?
Theo các nhà bảo tồn, tranh cãi này chỉ thực sự ngã ngũ khi các nhà khoa học lấy được mẫu tiêu bản cụ Rùa Hồ Gươm để làm xét nghiệm AND. Nhưng vì sao đến nay công việc này vẫn chưa được tiến hành dù trình độ khoa học kỹ thuật của ta hoàn toàn có thể làm được? Vì sao hàng chục năm qua người ta vẫn phải đoán mò về giới tính, độ tuổi của cụ Rùa Hồ Gươm, gây ra những khó khăn cho công tác bảo tồn và nhân giống?
Anh Đỗ Huy Bảo, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, anh đã 2 lần đề nghị được làm đề tài bảo vệ cụ Rùa (năm 2007 và 2008), nhưng đều bị từ chối. Lý do vì sao chỉ có thể lý giải được là do vấn đề tâm linh. “Ai cũng ngại động vào cụ”.
Còn một cán bộ của ATP lại cho hay, tổ chức này hiện không tập trung vào cụ Rùa Hồ Gươm nữa mà hướng tới tìm những con khác cùng loài ngoài tự nhiên để nghiên cứu các biện pháp bảo vệ, nhân giống. Lý do là đến nay chưa xác định được cụ rùa là “ông” hay “bà”, cụ cũng đã lớn tuổi, không biết có còn khả năng sinh sản hay không, và nhất là, trở ngại về mặt tâm linh khiến mọi đề xuất tiếp cận cụ để nghiên cứu đều bất khả thi.
Trong khi các nhà chức trách ngại động chạm vào cụ Rùa, thì cụ cũng kịp mắc lưỡi câu chùm cùng vô số vết thương khác từ những những kẻ câu trộm cá công khai quanh Hồ Gươm.